Không chỉ giúp khử mùi, tăng hương vị trong sơ chế thực phẩm, gừng còn rất tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, gừng nhanh bị khô héo và mọc mầm, vì vậy cần bảo quản đúng cách để bảo đảm giữ được gừng tươi lâu hơn.
Khi mua gừng tươi, để đảm bảo giữ được hương vị và gừng tươi lâu hơn, nên áp dụng các biện pháp bảo quản dưới đây:
1. Bảo quản gừng tươi trong ngăn mát tủ lạnh
Trước khi cho gừng vào tủ lạnh để bảo quản, cần rửa sạch và để ráo nước. Sau đó dùng một lớp giấy bạc bọc kín củ gừng hoặc gói gừng vào một chiếc khăn khô rồi cho vào túi nhựa kín, giữ lạnh ở ngăn mát.
Cũng có thể dùng một tờ giấy bạc hoặc màng bọc thực phẩm, sau đó quấn chặt quanh củ gừng tươi rồi để nơi thoáng mát. Với cách này, có thể bảo quản gừng trong thời gian khá lâu mà vẫn giữ được mùi thơm.
2. Trong tủ đông
Gừng là một trong những gia vị có thể bảo quản tốt bằng phương pháp đông lạnh. Để bảo quản gừng trong ngăn đông, cần gọt vỏ, rửa sạch cả củ gừng, đặt vào các hộp đựng kín và trữ đông.
Hoặc có thể dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh củ gừng. Nếu dùng các loại túi zip, cần ép hết không khí ra khỏi túi rồi mới cho vào ngăn đông để bảo quản.
Gừng tươi bảo quản trong ngăn đá không cần mất thời gian rã đông trước khi sử dụng. Nên dùng dụng cụ để bào củ gừng đông lạnh với lượng vừa đủ theo nhu cầu và cất phần còn lại vào tủ đông.
ản trong ngăn đá không cần mất thời gian rã đông trước khi sử dụng. Nên dùng dụng cụ để bào củ gừng đông lạnh với lượng vừa đủ theo nhu cầu và cất phần còn lại vào tủ đông.
3. Bảo quản gừng xay
Gừng xay là nguyên liệu phù hợp để ướp một số món ăn trước khi chế biến. Để bảo quản gừng bằng phương pháp này, có thể gọt sạch vỏ gừng, cắt thành từng miếng nhỏ rồi xay nhuyễn. Sau đó, cho hỗn hợp gừng xay vào các khay đá nhỏ, để trong ngăn đá đến khi đông cứng.
Mỗi khi cần sử dụng, có thể dễ dàng lấy một lượng vừa đủ mà không cần mất thời gian rã đông.
4. Bảo quản trong cát
Bảo quản gừng trong cát rất đơn giản, nhưng lại vô cùng hiệu quả. Chỉ cần một chiếc đĩa hay rổ rộng. Sau đó cho đầy cát sạch và thật khô vào rổ hay đĩa, vùi gừng xuống đó rồi để nơi thoáng mát.
Cách này giúp bảo quản gừng rất tốt, giúp gừng tươi lâu và tránh bị khô.
5. Nghiền thành bột
Cũng có thể đem gừng đi phơi khô hoặc sấy khô rồi nghiền thành dạng bột. Sau đó cho vào bình thủy tinh đậy kín, để ở nơi thoáng mát khi cần thì lấy ra sử dụng.
6. Sấy khô
Với cách bảo quản gừng tươi này, gừng được rửa sạch, để ráo nước sau đó thái thành từng miếng nhỏ đem trải đều lên khay rồi phơi khô hoặc sấy bằng lò nướng. Gừng sấy khô có thể sử dụng trong thời gian dài mà không làm mất đi mùi vị hay đặc tính cay nóng của gừng tươi.
Lưu ý, sau khi phơi hoặc sấy khô nên cho gừng khô vào các hộp thủy tinh đậy kín và bỏ cùng túi hút ẩm.
7. Ngâm gừng với giấm
Ngâm gừng với giấm không chỉ là cách bảo quản gừng tươi lâu mà còn có thể tận dụng nước gừng ngâm. Gừng ngâm giấm sẽ giữ được độ tươi và mùi thơm vốn có. Ăn gừng ngâm giấm còn giúp đào thải được những chất cặn bã ra khỏi cơ thể, hỗ trợ tiêu mỡ, đốt chất béo và ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả.
Gừng ngâm giấm nên sử dụng gừng non, rửa sạch và thái thành lát mỏng đều nhau.
Gừng sau khi bóp với muối nên được chần qua nước sôi để giảm vị cay. Sau đó, vớt gừng ra, vắt bớt nước và để ráo.
Chuẩn bị nước giấm ngâm gừng bằng cách đun sôi hỗn hợp nước, giấm, đường (tỷ lệ 1:1:1). Cho gừng vào lọ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước giấm đường vào và ngâm vài ngày ở nhiệt độ phòng. Sau đó, bảo quản gừng ngâm giấm trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng.
8. Gừng ngâm rượu
Gừng có tính ấm, vị cay, là một thảo dược được sử dụng trong Đông y. Khi ngâm gừng với rượu trắng sẽ bảo quản được gừng trong thời gian dài. Rượu gừng có công dụng tuyệt vời trong trị cảm, hỗ trợ chữa đau lưng, hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp. Rượu gừng còn giúp hỗ trợ điều hòa khí huyết và tăng tuần hoàn máu.